Thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp văn hoá tâm linh của người Việt từ bao đời nay. Người Việt Nam coi trọng việc thờ cúng tổ tiên là nguyên tắc, đạo đức làm người. Bằng việc thờ cúng tổ tiên, thế hệ trước làm gương cho thế hệ sau.
Thờ cúng tổ tiên chính là toàn bộ các hình thức lễ nghi, cúng bái nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành và gây dựng nên cuộc sống cho con cháu – những người thuộc thế hệ đầu tiên của một dòng họ, với ông bà, cha mẹ đã qua đời.
Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có nguồn gốc từ nền kinh tế nông nghiệp trong xã hội phụ quyền xưa. Khi nho giáo du nhập vào Việt Nam, chữ hiếu được đề cao, đã làm cho tục thờ cúng tổ tiên có một nền tảng triết lý sâu sắc. Gia đình, gia tộc và vấn đề “dương danh hiển gia” được đề cao.
Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy, chỉ cần một nén hương (nhang) lên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ, Tết, hay ngày giỗ, con cháu trong gia đình cũng thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn, tưởng nhớ những người thân đã khuất.
Từ lâu, thờ cúng tổ tiên ông bà đã trở thành một phong tục, là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người, đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Dân Việt trọng lễ nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ và có hiếu với ông bà tổ tiên, với nguồn gốc của mình.
Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ), ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho Mặt Trời ở bên trái và Mặt Trăng ở bên phải. Khi cần giao tiếp với tổ tiên (có lúc thỉnh cầu, có khi sám hối…) người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà.
Đặc trưng của văn hoá nông nghiệp cũng được thể hiện ở trên bàn thờ tổ tiên của người Việt. Thông thường, ở ngay sau bát hương thường có một cái đỉnh ba chân, nắp đỉnh được vẽ hình con lân với ý nghĩa sức mạnh bề trên kiểm soát tinh thần con cháu khi đứng trước bàn thờ.
Bàn thờ tổ tiên luôn cần được thanh tịnh, vì thế đồ tế chỉ có thể là hương, hoa, trà, quả…Những ngày giỗ, Tết, con cháu muốn dâng cúng cỗ đồ mặn phải đặt ở một chiếc bàn phụ phía trước và thấp hơn bàn thờ chính.
Hướng bàn thờ cũng được người Việt rất quan tâm. Thông thường hướng nhà theo đạo Phật thì hướng Nam là nơi của bát nhã, tức trí tuệ, hướng của sự sáng tạo, của sinh lực tràn trề, đầy dương khí.
Nhiều khi cũng đặt bàn thờ hướng Tây vì người ta nghĩ hướng này hợp với sự đối đãi của âm dương, nên yên ổn và phát triển, nghĩa là vị thần được an toạ.
Khi tới ngày giỗ, tết, ngày rằm, mùng 1… gia chủ bày lễ cúng lên bàn thờ rồi thắp hương, thắp đèn, đốt nến, khấn, vái, hay lạy để tỏ lòng biết ơn, hiếu kính và cầu xin phước lành. Việc cúng bái này không chỉ để gợi nhớ lại, tỏ lòng thành với tổ tiên, ông bà mà còn để đưa ra những lời cầu xin, mong linh hồn người thân che chở người còn sống
Khi khấn, chúng ta thường nói thầm trong miệng đầy đủ các thông tin như: ngày/tháng/năm, nơi ở, mục đích buổi cúng lễ, người được cúng, tên những người trong gia đình, lời cầu xin và lời hứa. Tất cả mong cầu của con người sẽ thông qua lời khấn này để gửi tới ông bà tổ tiên. Có một số gia đình sẽ lựa chọn khấn theo bài văn khấn lễ tổ tiên được ghi lại trong sách. Hơajc đơn giản là nghĩ gì nói ấy, bày tỏ đủ lòng thành kính
Sau khi đã đưa ra lời cầu xin, chúng ta phải vái lạy tổ tiên. Khi vái thì chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay xuống lên theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Tuỳ theo từng trường hợp, người ta vái 2,3,4 hay 5 vái.
Lạy là hành động bày tỏ lòng tôn kính chân thành với người quá cố. Lạy và vái thường đi cùng với nhau, kết hợp cùng nhau. Có 4 trường hợp lạy: 2 lạy, 3 lạy, 4 lạy và 5 lạy. Mỗi trường hợp đều mang ý nghĩa khác nhau.
Đã bao thế kỷ trôi qua, cung cách và quan niệm thờ phụng tổ tiên của người Việt Nam xét theo góc độ nào đó đã có nhiều thay đổi nhưng ý nghĩa lớn nhất, vẫn giữ nguyên. Người Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo đức làm người. Đó là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với bậc sinh thành.
No products in the cart.